Thay má phanh ôtô và những điều cần biết rõ

Sau một thời gian dài sử dụng, má phanh ôtô sẽ dần bị ăn mòn và cần được thay thế kịp thời.

Thói quen xấu khiến má phanh bị mòn


Nguyên nhân chính dẫn đến mòn má phanh, hỏng kẹp phanh là bắt nguồn từ thói quen của người sử dụng như: Phanh gấp, phanh giật cục. Ngoài ra, việc chở quá tải cũng khiến tuổi thọ của má phanh bị giảm sút.

Ngoài ra, thói quen rà phanh trên những cung đường dốc cũng khiến nhiệt độ phanh tăng cao. Nếu để nhiệt độ lên 600 – 700 độ C có thể gây ra hiện tượng mất phanh, gây nên các vụ tai nạn đáng tiếc.Bạn có thể nhận biết phanh ôtô hư hỏng qua một số dấu hiệu. (Đồ họa: Trang Thiều)

Dấu hiệu nhận biết má phanh bị hư hỏng

Nếu nhận thấy một trong những dấu hiệu dưới đây, bạn cần sớm mang xe đến gara kiểm tra và khắc phục:

- Cảm biến báo phanh mòn: Thông thường má phanh của ô tô được gắn thêm 1 miếng thép, nhằm hỗ trợ tản nhiệt trong quá trình phanh xe. Nếu má phanh bị bào mòn, đèn báo mòn phanh sẽ phát sáng.

- Phanh bị lệch: Khi đạp phanh, nếu thấy xe có xu hướng lệch về bên trái hoặc phải đường thì có thể má phanh đã hỏng. Vì vậy bạn cần thay má phanh ô tô mới. Nếu không rất dễ khiến xe bị mất lái và xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu khác như đạp phanh không cảm thấy có lực, bó phanh, phanh cứng hoặc mất độ bám… Để đảm bảo an toàn, lái xe hãy bảo dưỡng xe ô tô định kỳ.

Thời điểm nên thay má phanh ô tô

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, sau khoảng 80.000km di chuyển hoặc sau 2 năm vận hành xe, các tài xế nên kiểm tra và thay thế má phanh mới.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng xe tại những khu vực đông dân cư, tắc đường, bạn nên thay phanh sớm hơn so với thời gian được khuyến cáo bởi tần suất sử dụng phanh sẽ lớn hơn.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại má phanh như: Má phanh hữu cơ làm từ các sợi hữu cơ phi kim, ít gây tiếng ồn; má phanh kim loại hoạt động tốt ở nhiệt độ cao; má phanh gốm được tạo thành từ sợi ceramic và sợi đồng trộn lẫn với nhau, tốt và bền bỉ. Vì vậy, tùy vào nhu cầu và điều kiện kinh tế bạn có thể lựa chọn phù hợp.

TRANG THIỀU
Nguồn : https://laodong.vn/xe/thay-ma-phanh-oto-va-nhung-dieu-can-biet-ro-873521.ldo
Chia sẻ:

4 lỗi ôtô thường gặp khi đi qua trạm thu phí

Khi di chuyển qua trạm thu phí, tài xế rất dễ gặp các lỗi sau dẫn đến việc bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trạm thu phí Bắc Bình Định. Ảnh: Minh Hạnh

Ôtô đi vào làn xe máy để tránh trạm thu phí

Trên thực tế, đây là một trong những lỗi phổ biến ở khu vực trạm thu phí có làn đường xe máy rộng rãi và không có nhân viên đứng soát. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và chịu mức phạt rất nặng. Cụ thể:

- Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường: Phạt 200.000 - 400.000 đồng;

- Người điều khiển xe đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định: Phạt 03 - 05 triệu đồng;

- Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông: Phạt 3.000.000 triệu đồng đến 5.000.000 triệu đồng.

Xe đi vào làn thu phí tự động nhưng không dán thẻ thu phí

Hệ thống thu phí tự động giúp người dân thuận tiện khi tham gia giao thông như không cần dừng xe để trả phí khi đang lưu thông, tiết kiệm được nhiên liệu và thời gian di chuyển.

Tuy nhiên, nhiều tài xế đã lợi dụng việc không dừng mà cho xe đi qua dù không có tài khoản trả phí tự động, hoặc có tài khoản nhưng không đủ tiền thanh toán. Hành vi này sẽ bị phạt hành chính, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.

Dừng đỗ quá 5 phút tại trạm thu phí

Trường hợp dừng xe quá thời gian trên, tài xế có thể bị xử phạt hành chính theo một trong các lỗi sau:

- Phạt 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng: Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;

- Phạt 3.000.000 triệu đồng đến 5.000.000 triệu đồng: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Đặc biệt, trường hợp người điều khiển xe ôtô cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Không đảm bảo khoảng cách giữa các xe

Trên thực tế, tùy từng trạm thu phí, khoảng cách đặt ra sẽ khác nhau, thông thường là 3m hoặc 8m.

Nếu đã có biển báo này mà tài xế không thực hiện đúng sẽ bị phạt từ 800.000 - 1.000.000 triệu đồng về hành vi không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.

TRANG THIỀU (T/H)
Nguồn : https://laodong.vn/xe/4-loi-oto-thuong-gap-khi-di-qua-tram-thu-phi-874137.ldo
Chia sẻ:

Khuyến cáo dành cho lái xe đi Tây Bắc khi đường đóng băng

Thời tiết lạnh dưới 0 độ C ở các vùng núi Tây Bắc có thể khiến tài xế ô tô gặp khó, bởi đa phần xe tại Việt Nam thường dùng loại lốp xe cho khí hậu nhiệt đới.

Những ngày này, băng giá và tuyết mỏng đã bắt đầu xuất hiện ở các vùng núi Tây Bắc Việt Nam như Sapa, đèo Ô Quý Hồ... Sáng ngày 11/1, đường ở khu vực này đóng băng mỏng khiến CSGT phải tạm ngăn đường do một số xe bị trượt, mất lái sa xuống rãnh.

Xe sa xuống rãnh thoát nước vì đường trơn ở đèo Ô Quý Hồ. Ảnh: Tavan Dragon House

Theo chuyên gia đào tạo lái xe Nguyễn Hồng Vinh, đa số ô tô ở Việt Nam sẽ gặp khó khi di chuyển ở những nơi mặt đường bị đóng băng. “Câu chuyện không nằm ở loại xe một cầu hay hai cầu, dẫn động bốn bánh mà ở vấn đề lốp. Đa số chủ xe ở Việt Nam dùng loại lốp thông thường, thích hợp khí hậu nhiệt đới và tiết kiệm. Gặp đường trơn mất tiếp xúc cả bốn bánh thì không nên đi tiếp, rất nguy hiểm”, chuyên gia Vinh nói.

Vì vậy, để đi được đường trơn, đóng băng cần thay loại lốp phù hợp. Chuyên gia Vinh cho biết loại lốp phù hợp là lốp gai AT (All Terrain) có nhiều gai, ít rãnh dọc nên có khả năng bám đường tốt hơn. Một số loại lốp dùng 4 mùa cao cấp nhưng giá thường đắt gấp 4 hoặc 5 lần so với lốp thông thường.

Lốp AT với ta-lông kiểu hoa khối với sự hiện diện của các khối hình độc lập trên bề mặt lốp giúp tăng độ bám đường, trong khi loại lốp chạy đường nhựa thường có các gân dọc giúp đi êm, ít ồn, tiết kiệm nhiên liệu nhưng sức kéo và chống trượt không thể bằng AT.

Bên cạnh đó, chuyên gia Vinh cho rằng công nghệ cũng góp phần giúp tài xế đi đường trơn trượt, đóng băng tốt hơn. “Các xe có sẵn các trang bị như cân bằng điện tử, hỗ trợ phanh, dẫn động 4 bánh, tính năng lái xe đường trơn tuyết sẽ giúp ích rất nhiều cho tài xế. Tuy nhiên, dù có sẵn công nghệ hỗ trợ, tài xế không nên chạy nhanh”, ông Vinh nói thêm. Một mẹo nhỏ khác dàng cho tài xế dùng lốp thường bị trơn trượt có thể vận dụng là xì bớt hơi bánh xe để tăng độ tiếp xúc mặt đường. Cách này áp dụng cho cả đường cát, sỏi.

Xe có nhiều chế độ lái và hỗ trợ phanh sẽ giúp ích khi đi đường trơn trượt

Ở các nước phương Tây thường xuyên có hình thái mặt đường đóng băng vào mùa đông nên họ thường có các biện pháp khắc phục như rải muối bề mặt đường, thay lốp chuyên dụng chạy băng tuyết. Nhưng vẫn có những nguyên tắc được khuyến cáo chung cho lái xe.

Theo American Automobile Association (Hiệp hội Ôtô Mỹ; viết tắt AAA), điều kiện đường xá tồi tệ là một yếu tố gây ra gần nửa triệu vụ tai nạn và hơn 2.000 ca tử vong trên đường vào mỗi mùa đông ở Mỹ. Tổ chức này khuyến nghị tài xế trước khi lái xe cần kiểm tra kỹ nhiên liệu, luôn giữ ít nhất bình nhiên liệu có mức trên nửa thùng. Lái xe từ từ, tăng và giảm tốc từ từ tránh, hạn chế phanh đột ngột. Tăng khoảng cách với xe phía trước bằng cách cộng thêm 5 hoặc 6 giây so với phản ứng ở thời tiết bình thường.

Bên cạnh kỹ năng lái xe thì việc chuẩn bị phương tiện hoạt động một cách tốt nhất cũng là cách để tránh gặp sự cố khi đi vào đường trơn trượt, mưa tuyết.

Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch ( Phúc Yên - Vĩnh Phúc) cho biết khi nhiệt độ xuống quá thấp, chủ xe nên để ý phần nước làm mát. “Về lý thuyết, nước làm mát ô tô có mức chịu đông lạnh nhất định nhờ có thành phần pha thêm các chất có nhiệt độ đông lạnh thấp. Tuy nhiên, nhiều chủ xe có thể trong quá trình sử dụng đã pha thêm nước lọc hoặc mua phải nước làm mát giả. Khi gặp thời tiết lạnh đóng băng khiến nhiệm vụ làm mát động cơ mất đi, dễ khiến động cơ gặp sự cố. Vì thế nên kiểm tra kỹ bộ phận này và chỉ thay nước làm mát đúng loại ở nơi uy tín”, kỹ sư Tạch nói.

Nguồn : https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/meo-lai-xe-len-tay-bac-khi-duong-dong-bang-704622.html
Chia sẻ:

Những vị trí cần kiểm tra để ô tô hoạt động tốt trong ngày lạnh nhất

Vào mùa đông khi thời tiết lạnh sâu, nhiều chủ xe phàn nàn ô tô khó khởi động hoặc gặp sự cố ảnh hưởng đến công việc. Do đó, tài xế cần lưu ý một số vị trí cần kiểm tra kỹ để tránh rủi ro trên đường.

Nhiệt độ giảm sâu trong mùa đông có thể khiến chiếc ô tô bỗng dưng muốn... nghỉ, khó khởi động hoặc gặp sự cố trên đường.

Vì vậy, chủ xe nên dành thời gian kiểm tra những bộ phận dưới đây và đảm bảo rằng dù nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, xe vẫn hoạt động tốt.

Ô tô di chuyển vào mùa đông, khi đường có băng tuyết cần phải lưu ý nhiều hơn so với mùa hè

Nước làm mát

Vào mùa đông lạnh giá, nếu nước làm mát động cơ bị đóng băng sẽ khiến động cơ không thể hoạt động được.

Vì vậy, dung dịch chống đông có tác dụng ngăn nước làm mát của động cơ bị đóng băng. Tài xế có thể pha thêm dung dịch này theo đúng tỷ lệ để giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Lưu ý, có thể tham khảo về dung dịch chống đông trong sách hướng dẫn kèm theo xe.

Thời tiết ở Việt Nam chỉ xảy ra hiện tượng băng tuyết cá biệt ở vùng núi phía Bắc vào mùa đông nên thông thường, loại nước làm mát đúng tiêu chuẩn đã có sẵn hóa chất chống đông bên trong, khả năng chống đông có thể lên tới -30 độ C. Do đó, chủ xe cần thay loại nước làm mát chính hãng ở nơi đảm bảo uy tín.

Trong trường hợp phải pha chế thêm dung dịch chống đông, cần đậy nắp chai thừa kín và cất ở nơi an toàn bởi dung dịch này rất độc hại.

Bình ắc quy

Cho dù xe ô tô của bạn được trang bị động cơ xăng, dầu diesel, hybrid hay động cơ điện, nhiệt độ xuống thấp đồng nghĩa với việc ắc quy phải hoạt động nhiều hơn. Mọi chiếc xe bạn sử dụng đều sở hữu bình ắc quy 12 vol nhằm đảm bảo các hệ thống điện quan trọng hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, kiểm tra tình trạng ắc quy là việc rất cần thiết.

Để ắc quy hoạt động ổn định, cần thay thế nếu sử dụng quá 5 năm. Với xe thường xuyên sử dụng, tuổi thọ ắc-quy có thể khoảng 3 năm.

Nếu không có kế hoạch sử dụng trong thời gian dài, có thể tháo ắc-quy cất đi hoặc chuẩn bị sẵn bộ sạc hoặc kích ắc-quy để sử dụng lại khi cần.

Lốp xe


Lốp xe là bộ phận duy nhất của xe tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đường, chịu tải và lực ma sát. Khi thời tiết xấu hoặc địa hình xấu, lốp xe đóng vai trò quan trọng nhất rồi mới đến các tính năng hỗ trợ. Vì vậy, một bộ lốp "khỏe" sẽ giúp tài xế có thể lên đường bất cứ lúc nào.

Khi mặt đường đóng băng hoặc có tuyết, cần loại lốp nhiều rãnh hoa văn như lốp AT để tăng độ bám

Để lốp xe bền, khỏe, chủ xe cần tiến hành thường xuyên kiểm tra. Các hãng lốp thường khuyến cáo độ sâu rãnh lốp tối thiểu phải từ 3mm. Bất cứ một hư hại nào ảnh hưởng đến bề mặt như rách, mòn không đều, găm đinh...cần phải được khắc phục hoặc thay thế ngay.

Nếu có kế hoạch đi vào địa hình băng, tuyết, hãy lưu ý sử dụng loạt lốp chuyên dụng phù hợp với hành trình của bạn, như lốp AT hoặc lốp chuyên dụng có bề mặt rãnh lốp tạo ma sát tốt.

Hệ thống đèn

Trong mùa đông, số giờ có ánh sáng mặt trời ít đi, cộng với thời tiết xấu sẽ làm giảm tầm nhìn của bạn khi tham gia giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống chiếu sáng trên xe là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn khi di chuyển.

Mùa đông thời tiết tối hơn và dễ có hiện tượng sương mù, cần chú ý bảo dưỡng hệ thống đèn hoạt động ở mức tốt nhất

Vì vậy, cần đảm bảo tất cả hệ thống đèn đều đang hoạt động và được vệ sinh sạch sẽ. Để được như vậy, trước mỗi chuyến đi nên kiểm tra kỹ đèn xi nhan sườn cũng như đèn chiếu sáng biển số, đồng thời chú ý điều chỉnh góc chiếu sáng đèn pha trong trường hợp chở nhiều hành khách/ hàng hóa hơn bình thường.

Kính chắn gió

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hãy đảm bảo luôn giữ được tầm nhìn rõ ràng nhất có thể. Giữ cho kính chắn gió trước và sau sạch không chỉ cải thiện tầm nhìn, mà còn giúp việc gạt mưa trở nên dễ dàng hơn, đồng nghĩa với việc tối ưu khả năng của cần gạt.

Để kính chắn gió sạch, nên tiến hành vệ sinh cả mặt bên trong kính để làm giảm hiện tượng đọng hơi nước. Kiểm tra cần gạt và thay thế nếu cần thiết. Chú ý tắt chế độ gạt tự động nếu khởi động xe trong điều kiện thời tiết băng giá. Chúng có thể bị hư hại nếu đang bị đóng băng chặt vào kính chắn gió.

Cần đảm bảo dung dịch rửa kính luôn được đổ đầy. Bạn cũng có thể pha thêm dung dịch chống đông để ngăn việc đóng băng nguồn nước.

Những đồ mang theo xe

Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch trong thời gian mùa đông, hãy kiểm tra kỹ lưỡng và chuẩn bị thêm một số trang bị cần thiết.

Kiểm tra tình trạng của lốp dự phòng và thiết bị bơm lốp, hay bất kì các thiết bị liên quan như bộ kích, dụng cụ thay ốc hoặc móc kéo.

Mang theo dây sạc điện thoại. Nếu xe không được trang bị cổng cắm USB, hãy mua đầu chuyển đổi cho ổ cắm 12V trên xe, thường có chi phí rất hợp lý. Đồng thời, hãy mang theo đồ dùng giữ ấm như chăn, áo khoác, mũ, găng tay và bốt - đề phòng trường hợp bạn bị kẹt ngoài đường do thời tiết xấu

Hãy dự trữ nước và đồ ăn nhẹ như bánh quy hoặc sôcôla trên xe phòng trường hợp khẩn cấp.

Quan trọng nhất, cần đảm bảo bình xăng được duy trì ở mức tối thiểu 1/4, vì nếu bạn bất ngờ bị kẹt khi đang trong hành trình, cần phải giữ cho động cơ xe luôn hoạt động.

Nguồn : https://vietnamnet.vn/vn/oto-xe-may/tu-van/6-vi-tri-can-kiem-tra-de-o-to-hoat-dong-tot-trong-ngay-lanh-nhat-705276.html
Chia sẻ: