Người dân có quyền kiểm tra thiết bị đo nồng độ cồn và giám sát CSGT?

Người dân có quyền được giám sát, khiếu nại thiết bị đo nồng độ cồn và lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT trên toàn quốc đẩy mạnh xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Quá trình tuần tra, xử lý, lực lượng chức năng gặp không ít vụ việc như các đối tượng chống đối, có hành vi ngăn cản quá trình xử lý vi phạm... Ngoài ra, nhiều người dân cũng có các thắc mắc xoay quanh việc kiểm tra nồng độ cồn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an)

“Quy trình kiểm tra nồng độ cồn đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên cách thức tiến hành kiểm tra còn tùy thuộc vào đặc điểm tình hình, tùy thuộc vào điều kiện tuần tra. Hiện nay có 2 dạng kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đó là kiểm soát, kiểm tra tại một điểm và tuần tra, kiểm soát lưu động. Tuy nhiên việc này còn phải phụ thuộc vào việc lựa chọn tuyến đường, sự bố trí của lực lượng CSGT...”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, ở dạng kiểm tra, kiểm soát tại một điểm thì CSGT sẽ tiến hành kiểm tra định tính trước, và nếu phát hiện người tham gia giao thông có nồng độ cồn thì sẽ tiếp tục kiểm tra về định lượng. Cụ thể, ở dạng kiểm soát tại một điểm, sẽ chọn đối tượng để kiểm tra và CSGT sẽ tạo dải phân cách để tạo luồng cưỡng bức, sau đó sẽ đưa các phương tiện bị kiểm tra vào luồng này. Ở luồng cưỡng bức thì CSGT sẽ sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn.

CSGT sẽ tiến hành đo định tính trước, tức là người được kiểm tra chỉ cần nói hoặc thổi nhẹ vào thiết bị đo, thì khi đó thiết bị sẽ báo là có cồn hoặc không có cồn. Nếu không có cồn thì người tham gia giao thông sẽ được mời đi tiếp, còn nếu máy phát hiện có cồn thì người này sẽ được tách ra riêng để kiểm tra định lượng. Lúc đó tài xế sẽ được yêu cầu thổi vào ống thổi để kiểm tra lượng cồn trong khí thở là bao nhiêu, rồi CSGT căn cứ vào đó để ra quyết định xử lý.

Thứ 2 là tuần tra lưu động, hoặc qua quá trình kiểm soát giao thông, CSGT phát hiện có đối tượng nghi vấn sử dụng rượu bia, hoặc trong điều tra giải quyết tai nạn giao thông, thì CSGT sẽ kiểm tra trực tiếp luôn bằng chế độ đo định lượng để xem lượng cồn của người vi phạm là bao nhiêu.

“Ngoài ra, trong một số trường hợp, CSGT có thể yêu cầu lấy máu tài xế để kiểm tra. Như trường hợp người đó không thể thổi vào máy đo nồng độ cồn bởi sức khỏe yếu như bị thương, tai nạn... thì cán bộ điều tra sẽ yêu cầu việc lấy máu để đo kết quả nồng độ cồn, ma túy trong máu của tài xế. Ngoài ra, quá trình kiểm tra lưu động sẽ không cần kiểm tra định tính nữa”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu ví dụ.

Người dân có quyền giám sát việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông khẳng định: “Người dân có quyền giám sát lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa giám sát và kiểm soát. Ở đây có thể hiểu giám sát là quan sát, nắm bắt tất cả mọi thứ diễn ra, biểu hiện ra bên ngoài; còn kiểm soát, kiểm tra thì phải là lực lượng chức năng có thẩm quyền thì mới được kiểm tra”.

Một số đối tượng lợi dụng việc giám sát rồi đòi hỏi, hạch sách, tạo ra việc chống đối, gây rối mất trật tự công cộng.

Theo quy định, người dân có quyền được giám sát trực tiếp việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại thông tư của Bộ Công an quy định về quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định về quyền, hình thức, nội dung giám sát của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, việc giám sát của người dân không được cản trở hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Khi có nghi ngờ, người dân có thể gửi khiếu nại.

Chia sẻ với phóng viên về quyền được kiểm tra máy đo trước khi bị CSGT thổi nồng độ cồn, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông cho rằng: “Người dân có quyền giám sát, nhưng việc đòi hỏi được xem máy đo này nó sẽ trở thành việc kiểm tra. Trong trường hợp này người dân có quyền khiếu nại khi cảm thấy máy đo nồng độ cồn có vấn đề chứ không phải người dân có quyền đòi hỏi được xem máy đo ở ngoài đường, việc này sẽ cản trở lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ, và đó sẽ trở thành hành động cản trở. Người dân khi có thắc mắc về máy đo nồng độ cồn hay tổ công tác đang làm nhiệm vụ, họ có thể ghi hình lại việc kiểm tra đó. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện ngoài khu vực làm việc của lực lượng CSGT”.

Cùng với đó, người dân có thể trực tiếp tới trụ sở CSGT tại địa phương, đơn vị đó để nắm bắt về thời gian, địa điểm và tổ công tác nào đã kiểm tra mình, máy kiểm tra nồng độ cồn nào đã được sử dụng để đo độ cồn với người đó. Tuy nhiên, đã có một số đối tượng lợi dụng việc giám sát rồi yêu cầu lực lượng chức năng "phải đưa cho tôi xem cái này, phải đưa cho tôi xem cái kia...", điều đó vô tình trở thành sự đòi hỏi, sự kiểm tra, tạo ra việc chống đối, gây rối mất trật tự công cộng.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, để đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy trình tuần tra đúng quy định của pháp luật, lực lượng chức năng của đơn vị này thường xuyên kiểm tra các thiết bị đo nồng độ cồn của các đơn vị như đội CSGT, tổ công tác./.

(Nguồn VOV.VN)
Chia sẻ:

Mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm nồng độ cồn lái xe cần biết

Vi phạm nồng độ cồn, lái xe có thể bị phạt đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng nếu điều khiển xe mà nồng độ cồn vượt 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Hoàng Lâm/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Chia sẻ:

Có nên dựng cần gạt mưa khi đỗ xe có tăng tuổi thọ cho lưỡi cao su?

Nhiều người có thói quen dựng cần gạt mưa khi đỗ xe ở ngoài trời nắng nóng để tăng tuổi thọ của trang bị này. Tuy nhiên, điều này không tạo ra nhiều khác biệt như bạn nghĩ.

Vào những ngày nắng nóng gay gắt, tại những bãi trông xe, chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những chiếc cần gạt mưa trên xe ô tô được dựng lên khi đỗ xe ở vị trí không có bóng mát. Bạn có từng đặt câu hỏi tại sao họ lại làm vậy hay không?

Cần gạt nước mưa trên ô tô thường có cấu tạo gồm phần khung tay gạt làm bằng kim loại và phần lưỡi gạt làm bằng cao su mềm, áp vào kính lái. Cần gạt mưa được dựng lên là cách để người dùng xe có thể dễ dàng bảo dưỡng và thay thế lưỡi gạt khi cần gạt mưa không còn làm việc hiệu quả.Nhiều xe hay dựng cần gạt mưa khi đỗ xe để bảo vệ và tăng tuổi thọ của lưỡi gạt.

Nhiều người tư vấn rằng cách làm này cũng sẽ góp phần bảo vệ và gia tăng tuổi thọ của lưỡi gạt mưa khỏi khô cứng, cong vênh khi tiếp xúc với bề mặt có nhiệt độ cao và nhiều tia cực tím (UV) như kính chắn gió.

Về lý thuyết, điều này có vẻ ổn, nhưng thực tế cho dù cần gạt mưa có dựng lên hay không, lưỡi gạt mưa vẫn tiếp xúc với nhiệt và tia UV có hại cho dù vị trí của của nó đặt nằm hay dựng lên.

Nếu thường xuyên dựng gạt mưa, sẽ càng trở nên bất tiện khi bạn đang vội chạy vào trong xe giữa thời tiết mưa gió. Thời gian hạ gạt mưa xuống có thể khiến người bạn ướt sũng trước khi ngồi vào ghế lái.

Trên thực tế, việc dựng cần gạt mưa lên sẽ thiết thực hơn trong những điều kiện thời tiết lạnh có tuyết hoặc những vùng núi cao có băng giá. Điều này giữ cho các lưỡi gạt cao su không dính vào kính do bị đóng băng. Nếu dựng các cần gạt mưa lên, việc cạo băng tích tụ trên kính chắn gió sẽ dễ dàng hơn.Việc dựng cần gạt mưa lên sẽ có nhiều tác dụng ở những vùng địa hình có khí hậu lạnh, xảy ra băng giá.

Chính vì vậy, cho dù bạn có chọn nâng cần gạt mưa lên hay không khi đỗ xe, cách tốt nhất để bảo quản chúng là thường xuyên lau chùi cả cần gạt và kính chắn gió để tránh tích tụ bụi bẩn, tránh làm xước kính khi cần gạt hoạt động mà không có nước rửa kính do vô tình đụng phải công tắc cần gạt mưa trong xe.

Quan trọng hơn, hãy cố gắng giảm thiểu việc đỗ xe ô tô tại nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng cách tìm những chỗ đậu xe có mái che hoặc càng nhiều bóng cây càng tốt nếu có cơ hội.

Nguồn : vietnamnet
Chia sẻ: