Cách xử lý khi đèn xe khác làm chói mắt

Giảm tốc độ, tránh nhìn thẳng vào đèn xe đối diện là cách để tài xế không bị "mù tạm thời" khi di chuyển trong đêm.

Đèn pha từ các xe hướng đối diện gây chói là tình huống nguy hiểm và có thể gây tai nạn nếu tài xế không làm chủ được vô-lăng. Khi gặp tình huống này, tài xế có thể đối phó bằng một số cách dưới đây:

Giảm tốc độ, bám bên phải

Việc đầu tiên cần làm là giảm tốc độ. Chói mắt khiến tầm quan sát bị ảnh hưởng tạm thời và làm giảm tốc độ phản ứng của tài xế. Vì thế giảm tốc độ sẽ hạn chế khả năng xảy ra tai nạn.

Nhìn vào vạch kẻ đường bên phải để tránh chói mắt. Ảnh: Larson Law

Ngoài ra, tài xế nên giữ khoảng cách hơn với xe đi phía trước, để có nhiều thời gian phản ứng hơn nếu xe phía trước phanh đột ngột.

Song song với giảm tốc, tài xế nên cố đưa xe bám về phía bên phải, nhưng cần đảm bảo không cản đường xe khác. Hướng sang phải sẽ giúp tài xế có thêm không gian xử lý, tránh xa xe ngược chiều.

Không nhìn trực tiếp vào đèn xe hướng đối diện

Một cách vô thức, tài xế thường có xu hướng nhìn vào nguồn sáng gây chói, khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Lúc này, hãnh tỉnh táo để ngay lập tức đánh mắt chếch sang phải, phần đường đèn xe không chiếu tới để giảm chói. Một mẹo nhỏ là hãy để ý vạch kẻ đường bên phải, hoặc lề đường với những con đường nhỏ. Với cách này, tài xế không bị chói mắt và vẫn đảm bảo xe di chuyển trong đúng làn đường.

Vệ sinh kính và cần gạt nước

Các phần cần vệ sinh bao gồm kính lái, kính cửa (vệ sinh bên trong lẫn bên ngoài), gương chiếu hậu. Khi ánh sáng từ đèn xe truyền qua lớp kính chắn gió bẩn, tia sáng bị khúc xạ bởi lớp bụi trên xe, qua đó tăng độ chói của đèn.

Phần lưỡi cao su cần gạt nước trên kính lái có thể được vệ sinh bằng cách làm ẩm khăn sạch hoặc khăn giấy bằng dung dịch lau kính, sau đó lau cho đến khi sạch. Nếu phần lưỡi cao su cũ hoặc lão hóa, ví dụ như bị rách hay cao su cứng lại, hãy thay thế.

Cách hạn chế đèn chói từ xe phía sau

Bên cạnh nguồn chói từ xe đối diện, tài xế còn phải đối mặt với những xe đi ngay phía sau và bật đèn chế độ chiếu xa. Khi ấy, tài xế sẽ bị chói ở cả gương chiếu hậu trong và ngoài xe.

Cách chỉnh gương thứ 2 cho tầm nhìn rộng và tránh chói đèn tốt hơn. Ảnh: Minh Hy

Xe có gương chiếu hậu chống chói tự động là phương án giải quyết hữu hiệu nhất trong tình huống này. Nhưng nếu xe không có tính năng này, tài xế có thể tránh chói ở gương hậu trong xe bằng cách gạt lẫy cơ nằm ở mép dưới của gương.

Với gương hậu bên ngoài, hiệp hội ôtô Mỹ (American Automobile Association - AAA) hướng dẫn cách chỉnh đúng như sau: tài xế áp đầu vào phần cửa xe bên trái đã đóng, chỉnh gương cho đến khi còn thấy một chút thân xe. Sau đó hướng người một khoảng cách tương đương về bên phải và thực hiện chỉnh gương bên phải tương tự.

Tân Phan
Theo : https://vnexpress. net/cach-xu-ly-khi-den-xe-khac-lam-choi-mat-4573825.html
Chia sẻ:

Cách làm mát ôtô khi điều hòa bị hỏng

Mở kính theo đường chéo, cửa sổ trời, đặt thùng nước đá trong xe... là những cách làm để giúp bên trong xe thông thoáng khi điều hòa hỏng.

Điều hòa trong xe là tính năng không thể thiếu trong những ngày nóng. Nếu không may hệ thống điều hòa gặp lỗi, không thể hoạt động hoặc không thổi ra khí lạnh, tài xế vẫn có thể thực hiện những cách sau đây để đẩy lùi sự oi bức bên trong xe, trước khi có thể sửa chữa hệ thống này.

Hạ cửa kính

Đây là cách làm đơn giản và thuận tiện nhất để giúp khoang xe thoáng mát khi di chuyển mà không cần dùng điều hòa. Lưu ý rằng tài xế nên mở hai cửa, bao gồm cửa trước để đón gió và cửa sau để gió thoát ra ngoài. Nếu mở một cửa, những người ngồi trong xe có thể gặp hiện tượng tai ù, lùng bùng gây khó chịu, đồng thời gió vào khoang xe khó có thể thoát ra ngoài, giảm hiệu quả làm mát.

Hé kính vào ngày nóng. Ảnh: Tân Phan

Cách để mở cửa kính hiệu quả là theo đường chéo, tức là hé cửa bên tài xế một nửa hoặc ít hơn, tùy vào điều kiện thời tiết, và hé cửa một khoảng cách tương tự ở cửa kính phía sau bên phải. Thực hiện điều ngược lại nếu mở cửa thông gió ở hàng ghế trên bên phụ.

Trang bị quạt cầm tay

Các loại quạt cầm tay chạy bằng pin là phụ kiện hữu dụng nên có trong xe. Trong trường hợp điều hòa hỏng, hoặc lúc đỗ xe, ngủ ngắn, quạt sẽ giúp khoang xe thông thoáng, đỡ ngột ngạt hơn.

Trên thị trường có nhiều kiểu dáng, kích cỡ và loại quạt dùng trong xe. Tài xế nên chọn loại quạt dùng pin sạc, nhằm có thể sử dụng ngay cả lúc xe không nổ máy, thay vì dùng những loại quạt dùng nguồn điện tẩu thuốc. Giá những loạt quạt này khoảng 100.000-300.000 đồng tùy loại.

Tận dụng cửa sổ trời

Vào những ngày nắng gắt, nóng nực, hoặc lúc điều hòa gặp vấn đề, cửa sổ trời có thể giúp xe thông thoáng nhanh chóng. Đa số cửa sổ trời đều có tính năng thông khí, giúp kính xe chỉ hé lên một chút ở phía mép kính đằng sau, qua đó không khí bên trong xe vẫn lưu thông với môi trường bên ngoài, nhưng vẫn không gây quá nhiều tiếng ồn so với cách mở cửa kính hoặc mở toàn bộ cửa sổ trời. Thông thường, mở hé cửa sổ trời được kích hoạt bằng cách đẩy nút bấm lên phía trên, thay vì kéo ra sau để mở toàn bộ.

Cửa sổ trời trên một chiếc sedan tại Việt Nam. Ảnh: Tân Phan

Nếu trời nắng tài xế vẫn có thể sử dụng tấm che cửa sổ trời nếu có, lưu ý không nên đóng hết hoàn toàn, thay vào đó chừa một chút khe hở để không khí nóng bên trong xe có đường thoát ra ngoài.

Dùng khăn ẩm đặt trước khe gió điều hòa

Trong trường hợp hệ thống điều hòa vẫn thổi gió nhưng không có hơi lạnh, tài xế có thể dụng một chiếc khăn mỏng, sạch, nhúng nước và vắt ráo, để trước họng gió điều hòa nhằm làm mát nhanh chóng. Tuy nhiên, khăn sẽ mau khô hơn, tài xế nên chuẩn bị sẵn nhiều khăn đã làm ẩm để thay khi khô. Một mẹo nhỏ là dùng khăn thấm nước đá để tăng hiệu quả làm mát.

Khi sử dụng xong sau mỗi chuyến đi, khăn ẩm nên lấy ra khỏi họng gió điều hòa để tránh ẩm mốc.

Dùng thùng nước đá

Dùng thùng nước đá là cách làm mát tiện lợi hơn dùng khăn ướt. Tài xế cần chuẩn bị một thùng đựng đá chuyên dụng bằng nhựa, không thấm, đổ không quá đầy nước đá, tránh tràn ra sàn xe.

Sau đó, đặt thùng đá ở khoang sau xe và mở nắp thùng, nếu có hệ thống họng gió phía sau, cần hướng họng gió vào thùng đá. Cách làm này sẽ giúp khoang xe trở nên mát hơn, nhưng đồng thời cũng khiến hơi ẩm tăng nhanh chóng, do đó chủ xe nên thỉnh thoảng hạ kính để hơi ẩm thoát ra ngoài. Nếu nước đá tan hết cần thay thế bằng đá mới.

Làm mát cơ thể

Để cơ thể luôn được mát trong mỗi chuyến đi, các tài xế nên lựa chọn đồ thoáng mát, kết cấu nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt như như lanh hoặc cotton. Ngoài ra, khi di chuyển, tài xế có thể dùng bình xịt khoáng, túi chườm mát hoặc khăn ướt để làm mát các điểm xung trên cơ thể (vị trí nhiều mạch gần da) như cổ tay, sau gáy, thái dương, đằng sau đầu gối. Luôn uống đủ nước trên mỗi chuyến đi.

Bên cạnh đó, nếu xe sử dụng ghế da, vốn là vật liệu rất dễ hấp nhiệt, tài xế có thể lót khăn tắm để cảm thấy thoáng mát hơn, không bị dính, bí bách.

Những cách trên đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời, phù hợp với quãng đường ngắn, ngày nắng không quá nóng. Người dùng cần nhanh chóng sửa chữa hệ thống điều hòa trên xe để có hiệu quả làm mát tốt nhất.

Theo Tân Phan vnexpress .net
Chia sẻ: